Theo Bộ Y tế, Việt Nam đang thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng so với tiêu chuẩn của WHO. Tỉ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới
Sinh viên điều dưỡng mới ra trường dễ tìm việc
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông chuyên ngành điều dưỡng Nguyễn Linh Trang (SN 2001- Hà Nội) vừa ra trường đã được nhận vào làm tại một cơ sở y tế dân lập.
Sau thời gian 3 tháng thử việc, nếu đáp ứng được công việc, Trang sẽ được kí hợp đồng lao động, sau 9 tháng sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Cơ sở y tế dân lập yêu cầu kí hợp đồng ít nhất 6 năm mới có thể chuyển việc hoặc xin nghỉ. Đồng nghĩa với việc, họ sẽ giữ chứng chỉ hành nghề của Trang trong 6 năm. Đây là một trong những biện pháp "giữ chân" nhân lực y tế tại các cơ sở y tế dân lập.
Thế nhưng, với chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc hiện đại, Trang và nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp không ngần ngại bước chân vào môi trường y tế dân lập.
Trong khi đó, các cơ sở y tế công lập ngày một khó khăn hơn trong tuyển dụng điều dưỡng viên, đặc biệt sau dịch COVID-19.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết với nhu cầu của gần 5.000 bệnh viện công và tư nhân, hơn 4.000 doanh nghiệp về trang thiết bị y tế trên cả nước, có thể dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Y tế trong thời gian tới là rất cao.
Theo dự tính khoảng 5 năm tới đây, nhân lực ngành Y tế Việt Nam cần bổ sung khoảng 55.000 bác sĩ; 10.000 dược sĩ; 83.000 điều dưỡng; 65.000 kỹ thuật viên y học.
Việt Nam thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang thiếu khoảng 100.000 điều dưỡng so với tiêu chuẩn của WHO. Tỉ lệ điều dưỡng trên dân số Việt Nam đang rất thấp so với thế giới, trung bình 11,4/10.000 dân.
Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản một bác sĩ có đến 9-10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng. Tình trạng này khiến công việc của các điều dưỡng, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến cuối, rất áp lực.
Bộ Y tế cho biết hiện công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước khu vực; công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh...
Tại các cơ sở y tế, khoảng 70% công việc do điều dưỡng thực hiện. Người điều dưỡng cũng là cán bộ y tế đầu tiên và cuối cùng tiếp xúc với người bệnh khi họ vào viện và xuất viện.
Ngoài ra, điều dưỡng cũng đóng góp quan trọng vào nghiên cứu và phát triển y tế, áp dụng phương pháp chăm sóc điều trị mới, cải tiến các quy trình chăm sóc và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế.
Theo Bộ Y tế, hiện nay công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Nhiều nơi còn quan niệm cho rằng "Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ".
Nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh.
Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo. Đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp.
GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay hiện ngành y tế Việt Nam đang tập trung các giải pháp nhằm đổi mới căn bản và toàn diện về công tác điều dưỡng.
Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng, phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN.
"Cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút tuyển sinh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề của điều dưỡng đang công tác tại bệnh viện. Đồng thời các bệnh viện phải đặt hàng cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của bệnh viện"- Tiến sĩ Trần Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nói.