Phục hồi chức năng tâm lý xã hội đối với bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kon Tum
2024-03-31T21:37:39-04:00
2024-03-31T21:37:39-04:00
https://bvtamthankontum.vn/vi/news/dang-doan-the/phuc-hoi-chuc-nang-tam-ly-xa-hoi-doi-voi-benh-nhan-tam-than-dieu-tri-noi-tru-tai-benh-vien-tam-than-tinh-kon-tum-218.html
https://bvtamthankontum.vn/uploads/news/2024_04/image-20240401082826-1.jpeg
Bệnh viện Tâm Thần tỉnh Kon Tum
https://bvtamthankontum.vn/uploads/zyro-image.png
Chủ nhật - 31/03/2024 21:31
Trên thực tế đa số bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là bệnh nhân Tâm thần phân liệt sau các đợt điều trị cấp tính thuyên giảm, sẽ vẫn còn một số triệu chứng hoặc một số vấn đề cần phải điều trị duy trì bằng thuốc. Họ cũng có thể bị tái phát và phải tái nhập viện nhiều lần. Một trong những nguyên nhân của việc tái phát bệnh là việc thiếu sự trợ giúp chăm sóc hoặc sự chối bỏ lạnh nhạt của người thân. Họ không thể tự điều trị tại nhà và phải trở lại Bệnh viện tâm thần tạo nên gánh nặng quá tải cho các Bệnh viện tâm thần và xã hội.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái tạo lại sức khoẻ và khả năng làm việc cho người bệnh đã bị giảm sút hoặc bị mất đi do thời gian trị bệnh ở lâu trong Bệnh viện. Điều này có ý nghĩa phản ánh nhận thức của y học là điều trị bệnh nhân không được xem là kết thúc khi chữa lành vết thương cho họ, mà phải phục hồi chức năng cho người bệnh. “Sức khoẻ của con người là sự khoẻ mạnh về thể chất và sự thoải mái về tinh thần”.
Ý nghĩa của phục hồi chức năng là phục hồi và cải thiện về thể chất, cảm xúc, tinh thần để sử dụng năng lực còn lại của bệnh nhân một cách đầy đủ về cảm xúc vận động cơ thể, để hoà nhập với gia đình, xã hội và làm việc kiếm sống.
Việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần phải được thực hiện dần dần, các mục tiêu qua 4 bước. Đây chính là việc huấn luyện các kỹ năng cho người bệnh:
Bước 1: Làm cho họ tự phục vụ được.
Bước 2: Làm tròn bổn phận là một thành viên trong gia đình.
Bước 3: Hoà nhập được vào các hoạt động xã hội và cộng đồng.
Bước 4: Sống độc lập được, có lao động , có thu nhập để kiếm sống.
Như vậy mục đích chính của phục hồi chức năng tâm lý xã hội là làm giảm và ngăn ngừa việc mất khả năng biến chứng trở ngại, tránh những tái phát ác tính và làm cho bệnh nhân tâm thần có thể sống thích ứng với cộng đồng. Phục hồi chức năng tâm thần là một tập hợp can thiệp có mục đích tác động toàn bộ đến con người như: trí nhớ, cảm xúc, tinh thần, cải thiện chức năng tâm thần cho người bệnh, cải thiện việc quản lý bệnh cho các cán bộ nhân viên y tế. Phục hồi chức năng tâm thần là sự tái hoà nhập thành công của những cá nhân có khiếm khuyết tâm thần, như bệnh: Tâm thần phân liệt vào cộng đồng.
Những hình thức phục hồi chức năng hiện tại bệnh viện đang triển khai
Để làm cho bệnh nhân tâm thần có thể sống tại gia đình và cộng đồng được, không bị tái bệnh lên cơn, phải nhập viện hoặc tới các trại tâm thần. Chính từ ý nghĩa đó Bệnh viện Tâm thần không ngừng nỗ lực, triển khai đa dạng phong phú những hình thức phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Hiện nay bệnh viện triển khai những hình thức phục hối chức năng tâm lý xã hội sau:
1. Liệu pháp tâm lý nhóm:
- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội cho bệnh nhân (hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các bệnh nhân)
- Tập hợp giải quyết những vấn đề khó khăn của cá nhân (về bệnh tật, cũng như trong cuộc sống)
- Dùng động lực nhóm để nắn chỉnh những hành vi không phù hợp của bệnh nhân.
2. Liệu pháp tâm lý cá nhân:
- Thuyên giảm triệu chứng.
- Điều chỉnh xây dựng lại những mối quan hệ nhân cách bị rối nhiễu.
- Phát triển các kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề nhằm tạo khả năng thích nghi tốt
3. Liệu pháp âm nhạc:
Bệnh nhân có điều kiện rèn luyện các chức năng tâm thần như:
- Cảm xúc.
- Tình cảm.
- Hành vi (hoà hợp với tập thể).
4. Liệu pháp lao động:
Đây là liệu pháp quan trọng trong điều trị bệnh tâm thần:
- Lao động huy động mọi khả năng hoạt động tâm thần của bệnh nhân.
- Lao động cho bệnh nhân quên những cảm giác khó chịu do ảo giác, hoang tưởng gây ra, bớt lo lắng về bệnh, mất ý nghĩ đen tối khi ngồi không, suy nghĩ miên man.
- Lao động làm cho bệnh nhân gắn liền với tập thể trong dây chuyền sản xuất, tăng tính tổ chức, kỷ luật.
- Giúp bệnh tự đi lại sinh hoạt, có thể chăm sóc được bản thân mình.
- Giúp bệnh nhân tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn (tự lao động sẽ cảm thấy bản thân sống có giá trị hơn).
5. Liệu pháp hội họa:
- Giúp bệnh nhân bộc lộ được những suy nghĩ, xúc cảm bị dổn nén và cách thoát bỏ những day dứt. Từ đó giúp bác sĩ biết được những vấn đề có tính chất căn nguyên làm phát sinh bệnh.
- Nhằm giúp bệnh nhân có điều kiện rèn luyện các chức năng tâm thần như: xúc cảm- tình cảm, trí nhớ, hành vi,…
- Giúp bệnh nhân thể hiện được năng khiếu của mình.
6. Liệu pháp văn hóa:
- Nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhân luyện tập về trí nhớ đã bị giảm sút do quá trình bệnh.
- Luyện tập về kỹ năng xã hội: Bệnh nhân được tập lại những cách thức ứng xử với giáo viên, với bệnh nhân khác trong lớp học... Đó là những điều bệnh nhân đã từng trải qua nhiều năm trong nhà trường. Đồng thời, bệnh nhân có điều kiện được tăng cường giao tiếp và hiểu biết lẫn nhau.
- Giúp nhân viên quản lý bệnh nhân một cách sinh động.
7. Liệu pháp sinh hoạt tập thể.
- Giúp bệnh nhân rèn luyện kỹ năng xã hội, tạo tinh thần đoàn kết học hỏi nhau.
- Giúp nhân viên quản lý bệnh nhân một cách sinh động.
8. Luyện tập thể thao: Chơi bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông.
- Giúp bệnh nhân rèn luyện sức khoẻ, tinh thần đoàn kết, sống tập thể
- Giúp nhân viên quản lý bệnh nhân một cách sinh động.
Như vậy công tác phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần là một trong những công tác rất quan trọng giúp bệnh nhân sau quá trình điều trị đã ổn định tình trạng sức khỏe, có thể hòa nhập sống cùng gia đình và xã hội. Đặc điểm lâm sàng cơ bản nhất của bệnh nhân tâm thần là sự tan rã nhân cách, tách dần khỏi cuộc sống xã hội, thu mình về thế giới nội tâm. Bệnh nhân mất dần các kỹ năng và giao tiếp xã hội. Chính vì vậy mà công tác phục hồi chức năng mang lại cho họ tất cả các kỹ năng ấy. Nên mục đích của việc hướng dẫn phục hồi chức năng là giáo dục huấn luyện lại cho họ các kỹ năng sống và đưa họ trở lại hòa nhập với gia đình và xã hội.
Tùy mức độ bệnh tật, sự thuyên giảm của bệnh sau điều trị, tùy hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp kinh tế của bệnh nhân mà ta đưa các hình thức phục hồi chức năng tâm lý xã hội khác nhau phù hợp cho từng bệnh nhân để hướng dẫn phục hồi chúc năng cho họ./.
Bài, hình ảnh: Trần Văn Đại
Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kon Tum
Tác giả: bvadmin
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Bệnh viện Tâm Thần